30 tháng 6, 2014

LÊ DUẨN VÀ TRUNG QUỐC (BÀI HAY, NÊN ĐỌC)

Lê Duẩn và Trung Quốc
Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là một  khuôn mặt về mưu mô và thao lược có lẽ chỉ đứng sau ông Hồ Chí Minh. Đó là một trong những lý do Hồ Chí Minh chọn ông làm Bí thư thứ nhất sau cuộc cải cách ruộng đất nhiều tai tiếng. Là một người cộng sản, Lê Duẩn kiên trì theo đuổi đường lối của Hồ Chí Minh là thống nhất Việt Nam và đặt cả nước dưới chế độ cộng sản. Ông đã chống lại một cách có kết quả chính sách của Mao Trạch Đông không  muốn thấy miền Bắc chiếm miền Nam dù bằng hiệp thương bầu cử hay bằng vũ lực. Đối với Trung Quốc một Việt Nam chia đôi, miền Bắc không thể mạnh để thành một mối lo cho Trung Quốc, đồng thời làm trái độn ở biên giới phía Nam giúp Trung Quốc tránh sự tiếp cận với các lực lượng quân sự Hoa Kỳ.

Từ khi bị áp lực của Trung Quốc ký Hiệp định Geneve chia đôi dất nước, Lê Duẩn thấy rõ chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam trong hơn một ngàn năm qua không có gì thay đổi. Thay đổi chăng là thay đổi lối nói mồm miệng, từ “thiên triều và thuộc quốc” thành “anh em trong khối xã hội chủ nghĩa” môi hở răng lạnh giả dối.
Theo hồi ký “Cuối đời nhớ lại” của ông Nguyễn Thành Thơ một đảng viên từng có chân trong Trung ương Đảng ghi lại rằng, khoảng cuối năm 1978 khi tình hình biên giới  Việt – Campuchia và  Việt –Trung căng thẳng, quân lính Campuchia thường vượt biên giới cướp của và giết người mà Việt Nam không có đối sách gì. Trong một dịp Tổng Bí thư Lê Duẩn đi thăm huyện Cần Giờ tháp tùng bởi Huyện ủy và 30 cán bộ cao cấp khác, Nguyễn Thành Thơ ghi:
“Lê Duẩn nói ‘Các anh có gì hỏi tôi giải đáp’ . Anh em phấn khởi rộ lên ‘Xin hỏi K nó quấy rối biên giới ta, tàn sát cướp phá rất dã man điên cuồng, sao ta đối phó rất lôi thôi, chúng tôi khó hiểu’. Anh Lê Duãn trả lời ‘Các đồng chí hỏi đúng là một tình hình cả nước đều quan tâm, chúng tôi đau đầu lắm ngủ không được, không phải là vấn đề Khmer đỏ, vấn đề Pôn Pốt mà là vấn đề ai đằng sau Khmer đỏ, Pôn Pốt. Lần này ta có đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi, nhưng ta không chiếm K, Trung Quốc cũng không chiếm ta.”
(Cuối Đời Nhớ Lại của Nguyễn Thành Thơ)

Nhưng để hiểu trọn vẹn cái nhìn của Lê Duẩn đối với Trung Quốc trong suốt thời gian từ những năm 1949 sau khi Mao chiếm Trung hoa lục địa thành lập Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa,
  chúng ta cần đọc bài nói chuyện của Lê Duẩn với các tướng lãnh quân đội cộng sản Việt Nam (?) vào một thời điểm trong năm 1979 sau khi Trung Quốc tấn công vào biên giới Việt Nam (Bài nói chuyện của Lê Duẩn năm 1979) .  Bài nói chuyện này được lưu trữ tại Thư viện Quân đội Nhân dân ở Hà Nội và do Christopher Goscha  có được và dịch ra Anh ngữ cho Chương trình Lịch sử quốc tế về Chiến tranh Lạnh (Cold War International History Project – CWIHP) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington D.C.  [TBN: 1. giáo sư Gosha tốt nghiệp tiến sĩ sử học đại học Sorbonne, Paris chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại các nước Đông Nam Á.

 Chúng ta đang nghiên cứu một bài nói chuyện của một Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Ngôn từ trong những đoạn trích dẫn sau là ngôn từ của một lãnh tụ cộng sản Việt Nam sau khi vừa chiến thắng Hoa Kỳ, có lúc cường điệu và tự phụ. Cốt lõi ở đây là chắt lọc cái nhìn của ông Lê Duẩn đối với Trung Quốc để rút ra những kinh nhiệm đáp ứng trong hoàn cảnh Việt Nam đang bị áp lực nặng nề của Trung Quốc]

Lê Duẩn cho biết sau Hiệp định Geneve và sau khi không có hiệp thương chuẩn bị bầu cử như Hiệp định dự liệu, Trung Quốc gây sức ép cho Bắc Việt Nam không được khởi động cuộc chiến tranh tại miền Nam, nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn cương quyết phát động cuộc chiến. Lê Duẩn không nói ra, nhưng ai cũng biết Đảng Cộng sản Việt Nam có thể làm vậy vì có hậu thuẫn của Liên Xô.

Lê Duẩn nói với các cán bộ:
“Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneve, rõ ràng là Chu Ân Lai đã [ép] chia đất nước ta làm hai. Sau đó ông ta gây sức ép buộc chúng ta không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn chúng ta đứng lên nhưng họ không thể làm gì để ngăn cản chúng ta”

Theo Lê Duẩn, sau khi miền Bắc đã phát động chiến tranh du kích tại miền Nam, biết không ngăn được nên Mao Trạch Đông đổi cách suy nghĩ, lợi dụng cuộc chiến tại miền Nam để đưa quân vào Bắc Việt dòm ngó, chuẩn bị cho chương trình xâm lấn Việt Nam về sau:


Trích bài nói của Lê Duẩn:
“Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội đến giúp chúng ta xây dựng đường sá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác. Chúng ta biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này. 

Sau đó, Mao bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ. Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu. Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.”
Năm 1960 khi chiến tranh du kích tại miền Nam bắt đầu tăng cường độ, tại đại hội 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam, [TBN: từ 5-10/9/1960 tại Hà Nội, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn giữ danh vị Chủ tịch Đảng.]  Trung quốc đã thuyết phục Đảng Cộng sản Việt Nam khuyến cáo Pathet Lào trả hai tỉnh giáp biên giới Việt Nam cho chính phủ Vientaine, nói là để tránh Mỹ đổ quân vào Lào, nhưng ý đồ thật của Mao là cắt tay cắt chân của Việt Nam, và sau này dùng chi  viện rộng rãi mua chuộc Lào bủa một gọng kềm bên trái cùng với gọng kềm bên phải của căn cứ hải quân Yulin nằm ở cực nam đảo Hải Nam làm hai gọng kềm kẹp Việt Nam vào giữa.

Lê Duẩn nói với các cán bộ của mình:
“Khi chúng ta chuẩn bị chiến tranh du kích tại miền Nam sau khi ký Hiệp định Geneve, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm theo cái nhìn của Trung Quốc! Mao đã bức hiếp chúng ta và chúng ta đã phải làm điều đó.”

Lê Duẩn giải thích sở dĩ Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam Việt Nam vì Liên Xô và Trung Quốc bất hòa nhau, và chính sách của Liên Xô và Trung Quốc về Việt Nam đối nghịch nhau.  Liên Xô muốn Hà Nội khởi động chiến tranh tại miền Nam, Trung Quốc thì không muốn. Lê Duẩn dẫn chứng năm 1961 khi Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam còn là một khối (TBN: lúc đó dấu hiệu bất hòa chưa hiện ra bên ngoài)  Tổng thống Kennedy đã không dám can thiệp vào Lào nên cùng với Nga và Trung Quốc trung lập hoá Lào và lập Chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng tại Vientaine. Hoa Kỳ và Trung Quốc có cùng mục tiêu trong việc trung lập hóa Lào, chủ yếu là chắn con đường tiếp vận quan trọng từ bắc Việt Nam vào miền Nam để giảm thiểu khả năng xâm lăng miền Nam của Bắc Việt.

Lê Duẩn nói:
Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta  cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy.  Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào.  Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.  Sau đó, khi Liên Xô và Trung Quốc  xung đột với nhau, Mỹ được Trung Quốc thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ  sự trả đũa của Trung Quốc.”

Trong một đoạn khác Lê Duẩn phán đóan rằng nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã không dám gài mìn phong tỏa hải cảng Hải Phòng mùa hè năm 1972 và dùng B52 bỏ bom Hà Nội tháng 12 năm đó.

Lời Lê Duẩn:
“… Tuy nhiên, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế..”

Buổi nói chuyện của Lê Duẩn đã giải thích tại sao Hà Nội phát động cuộc chiến tranh vào các thành phố và trung tâm dân cư miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân. Cường độ và địa bàn tấn công, gồm cả tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã làm cho bộ tham mưu của tướng Westmoreland ngạc nhiên. Ngạc nhiên không phải vì không đoán trước Bắc Việt sẽ tấn công. Tình báo Hoa Kỳ đã ghi nhận sự chuyển quân của Bắc Việt. Ngạc nhiên vì tướng Westmoreland và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nghĩ rằng bộ đội cộng sản sẽ đánh mạnh vào các đơn vị quân đội Mỹ sau Tết và trong dịp ngưng bắn Tết họ chỉ quấy phá nhỏ.  [TBN: Victory At any Costs by Cecil B. Currey, page 266-267].

Ngoài ra song hành với cuộc tấn công Mậu Thân nhiều sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt bao vây căn cứ Khe Sanh, và các chiến lược gia Hoa Kỳ vẫn còn bình luận về mục tiêu chính của Bắc Việt là thu đoạt một thắng lợi dứt điểm tại Khe Sanh như họ đã thắng trước đây tại Điện Biên Phủ hay tấn công đồng loạt vào các trung tâm dân cư để tạo một cuốc nổi dậy. Lê Duẩn cho thấy Hà Nội không có ảo tưởng hạ căn cứ Khe Sanh trước hỏa lực của Hoa Kỳ.  Bao vây Khe Sanh chỉ là kế “điệu hổ ly sơn” [TBN: đúng hơn là “điệu trâu lên rừng”].
Hà Nội cũng không có ảo tưởng gì nhân dân miền Nam sẽ nổi dậy.  Vào năm 1967 Hoa Kỳ có hơn 500 nghìn quân tại Việt Nam. Quân đội chính quy Bắc Việt đã chạm trán với quân đội Hoa Kỳ trong thung lũng Ia Drang trong năm 1965 và phải trốn qua biên giới Lào để khỏi bị tiêu diệt nên biết rằng không thể đụng trận mãi với các sư đoàn quân Hoa Kỳ được. Lê Duẩn và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam tính rằng nếu Hoa Kỳ đưa thêm quân vào Việt Nam thì trước sau Bắc Việt cũng thất bại. Nên chiến lược của Lê Duẩn là đánh một trận xả láng vào các thành thị miền Nam bất chấp quy ước, chấp nhận mọi tổn thất để tạo xúc động tâm lý tại Hoa Kỳ để Hoa Kỳ ngưng tăng quân và dọn đường thương thuyết.

Mục tiêu của Lê Duẩn đã đạt được. Bắc Việt đã tổn thất nặng nề về mặt quân sự, nhưng thắng lớn về mặt chính trị. Tổng thống Johnson đã không gởi thêm quân theo yêu cầu của tướng Westmoreland và đề nghị thương thuyết. Trớ trêu là lúc đó Trung Quốc ngăn cản không cho Hà Nội thương thuyết. Trung Quốc hứa sẽ gởi thêm súng đạn, đồng thời xúi dục Hoa Kỳ đổ thêm quân vào.  Trung Quốc muốn Việt Nam đánh để kiệt quệ đến người lính cuối cùng. (Cách nói khác: Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng)

Lời Lê Duẩn:
“Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang. Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt  ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.

Đến lúc Hoa Kỳ muốn thương lượng với chúng ta, Đại sứ Trung quốc tại Hà Nội Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các anh không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các anh phải dụ quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ”. Ông ta gây áp lực với chúng ta làm cho chúng ta bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề đơn giản mà rất mệt mỏi. Chúng ta không nghe lời của Ho Wei. Chúng ta ngồi xuống ở Paris. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo với Mỹ: ‘Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông muốn đưa vào Việt Nam bao nhiêu lính, tùy các ông’.

Lê Duẩn cho biết rằng có một lần Mao giả vờ không nhớ sử để cảnh cáo Lê Duẩn rằng, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh bị Việt Nam đánh bại, nhưng quân Mao sẽ thôn tính Việt Nam, và Lê Duẩn đã phản ứng bằng cách cảnh giác rằng Việt Nam cũng sẽ đánh thắng quân Mao.

Lê Duẩn thuật lại cho các cán bộ nghe một mẫu chuyện giữa ông ta và Trường Chinh với Mao và Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh năm 1963. “Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí  biết điều này. Tôi là Chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”.  Ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á bây giờ đã rõ rồi“.  Họ dám tuyên bố điều đó như thế.  Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!
Cũng trong dip đó Mao hỏi tôi:  Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!
Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!
Mao nói: Trời! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có
tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!

Mao không hỏi thẳng về Việt Nam, nhưng gián tiếp hỏi tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?”
Hiểu ý của Mao, tôi nói [nửa đùa nửa thật]: “Đúng. Nếu các ông đánh chúng tôi chúng tôi cũng sẽ đánh thắng các ông.  Các ông có biết điều đó không?”

Qua bài nói chuyện của Lê Duẩn chúng ta thấy Trung Quốc, dù thuộc thể chế nào, vương triều, dân chủ hay cộng sản đều có mộng thôn tính Việt Nam. Và Việt Nam dù thuộc thể chế chính trị nào cũng cảnh giác manh tâm của Trung Quốc.

Quá trình cảnh giác của người cộng sản Việt Nam bắt đầu từ những năm 1954 khi Trung Quốc  ép ông Hồ Chí Minh ký Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước. Và chính quyền hiện nay cũng có sự cảnh giác cao độ.  Tuy nhiên, không gian xoay xở mỗi thời mỗi khác, và cách đáp ứng của chính quyền hiện nay chưa được xem là thích ứng với hoàn cảnh.

Thời đại của Hồ Chí Minh Hà Nội dễ xoay xở hơn vì có Liên Xô đối trọng với Trung Quốc. Và cho đến năm 1975,  Trung Quốc còn yếu kém về cả hai mặt kinh tế và quân sự so với Hoa Kỳ.

Bối cảnh hôm nay khác hẵn. Liên Xô sụp đổ Hà Nội phải dựa vào Trung Quốc hơn để tồn tại. Kinh tế Trung Quốc hiện chỉ thua Hoa Kỳ, với một lực lượng quân sự hùng mạnh gấp nhiều lần quân đội cộng sản Việt Nam. Về mặt lãnh đạo, Lê Duẩn vừa có tài thao lược vừa có quyền quyết định (ngay cả khi ông Hồ Chí Minh còn sống vì được Hồ Chí Minh tin cậy) nên tuy có lúc ông phải nhượng bộ áp lực Trung quốc, ông vẫn rất cứng rắn trước các đòi hỏi quá đáng của Trung quốc. Sau khi Lê Duẩn chết (7/1986) các Tổng bí thư kế tiếp không ai mưu lược và có nhiều quyền quyết định như Lê Duẩn. Nhất là từ Đại hội 9 năm 2001 khi Nông Đức Mạnh lên Tổng bí thư,  sự lãnh đạo tại Hà Nội càng ít bén nhạy hơn, và hiện nay với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không có gì khá hơn.

Về mặt chiến lược từ tháng 4/2006 Hà Nội đã tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ một cách dè dặt để tìm thế đối trọng với Trung Quốc. (Quan Hệ Việt Trung 1991-2008).  Nhưng về mặt chiến thuật cung cách đối đáp của Hà Nội trước áp lực của Trung Quốc không thích hợp và được xem là nhu nhược đến độ người ta nghi ngờ Trung Quốc đã nắm trọn Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong tay.

Nước nhỏ cạnh nước lớn cẩn trọng về ngoại giao là cần, nhưng không được để cho sự cẩn trọng làm quốc gia bại liệt. Phải biết phản ứng khi cần thiết. Không thể để cho Trung Quốc bắn giết ngư dân hay cấm đánh cá trong vùng biển quốc tế mà không mạnh mẽ lên tiếng hay đưa nội vụ ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dù biết Trung Quốc sẽ dùng phiếu phủ quyết. Không thể để cho tàu hải giám Trung quốc húc chìm thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam mà không dám minh danh tố cáo Trung quốc mà chỉ nói là “tàu lạ”. Không thể nể Trung Quốc mà không đưa vụ tranh chấp Hoàng Sa,  Trường Sa ra trước Tòa án quốc tế trong khi Việt Nam có nhiều bằng chứng pháp lý chủ quyền, dù biết rằng tòa án quốc tế không thể thụ lý vì Trung Quốc sẽ không đồng ý kiện về chủ quyền đất đai. Việt Nam cần nghiên cứu các án lệ kiện chủ quyền đất đai trên thế giới để chuẩn bị cần làm gì để có nhiều may mắn thắng trước tòa quốc tế. Việc chính quyền Hà Nội vì tế nhị ngoại giao không lên tiếng chính thức và kịp thời trước các vụ lấn đảo lấn biển của Trung Quốc có thể là một bất lợi về sau. Và lệnh cấm nhân dân biểu tình chống hành động xâm lấn của Trung Quốc cũng có thể là một bất lợi pháp lý khác.



Trong bài nói chuyện Lê Duẩn có nói đến khung cảnh quốc tế mới để chứng minh rằng Trung Quốc không thể đánh Việt Nam mà không bị phản ứng của thế giới. Ông nói: “Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh nước ta để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh một cách dễ dàng. [Đầu năm nay] Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam”! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. Ngay cả trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.”

27 tháng 6, 2014

CHÚC MỘT BUỔI TỐI...

HP : Các cụ ơi, hãy quên Biển Đông trong hai ngày cuối tuần đi, hãy ngủ ngon nhé. Đầu tuần lại đau đầu tiếp và tha hồ nguyền rủa láng giềng. Nói thật với các cụ là tôi ít quan tâm đến tình hình chính trị, nhưng từ khi cái giàn khoan HD-981 nó xuất hiện ở vùng biển nước ta, tôi bắt đầu theo giõi báo trí và nghe tin tức không bỏ qua tin nào về BĐ.




CHÚC MỘT BUỔI TỐI…
Hoàng hôn chạm mặt biển rồi
Chúc một buổi tối thảnh thơi an bình


Sáng dậy ra ngắm bình mình
Biển xanh, sóng lặng an bình làm sao!
Bỗng đâu cướp biển ập vào


Giàn khoan chúng cắm như ao nhà mình
Hỏi rằng bành trướng Bắc Kinh
Có cón tư cách rằng mình-nước to?...(Bí rồi xin các cụ giúp tiếp cho)

24 tháng 6, 2014

TRUNG QUỐC ĐÃ HẾT LỐI RA BIỂN

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trung Quốc đã hết lối ra biển
Nhìn bản đồ Đông Á có thể thấy rõ các mặt giáp biển của Trung Quốc đều là những nước có nền kinh tế mạnh và quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Trung Quốc như bị vây lại bởi các cánh cung và không có một lối ra biển thực sự.
Lý do Trung Quốc tạm “kiêng” Nhật Bản, Đài Loan
Trong xu thế phát triển tới đây đường biển sẽ tiếp tục giữ vai trò chiến lược, vì thế một “cửa ngõ” thông thoáng ra biển là yêu cầu gần như bắt buộc của các cường quốc. Đó là lý do buộc Trung Quốc phải tìm cách “gây hấn” với các nước có chung đường biển để có được cửa ngõ này, nhưng tại sao Trung Quốc lại chọn cách gia tăng căng thẳng ở Biển Đông thay vì Biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.
Đường ra biển của Trung Quốc đều bị vây kín bởi các chuỗi đảo của những quốc gia khác: Ảnh: Gmaps
Trả lời Infonet về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân đã đưa ra những nhận định rất đáng chú ý. Theo ông phía Đông của biển Hoa Đông là Nhật Bản – một quốc gia với tiềm lực kinh tế, nguồn lực khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ II và ngày nay Nhật Bản vẫn là một cường quốc biển với sức mạnh tổng hợp có thể đương đầu với bất cứ mối đe dọa nào.
Trên thực tế Trung Quốc còn phải học hỏi người Nhật ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chiến tranh trên biển. Thêm vào đó, không những có thể tự lực cánh sinh, Nhật Bản còn dễ dàng hình thành một liên minh quân sự với Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Do đó Trung Quốc hiểu rõ họ không thể đột phá tại vị trí này.
Trong khi đó xuôi xuống phía Nam là vị trí do Đài Loan án ngữ. Tuy Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình nhưng người Đài Loan chưa bao giờ công nhận ý định này. Trên thực tế trong lịch sử Trung Quốc đã từng tấn công vào hai nhóm đảo Kim Môn và Mã Tổ (Đài Loan quản lý) tuy nhiên sau đó đã phải dừng lại.
Hiện nay, dù không được nhiều quốc gia công nhận là một nhà nước độc lập nhưng Đài Loan vẫn có một tiềm lực riêng biệt không thể xem thường. Bên cạnh đó Hoa Kỳ vẫn luôn “chống lưng” cho Đài Loan bằng việc cung cấp các hợp đồng vũ khí, khí tài quân sự.
Xét về mặt lịch sử, người dân Đài Loan vốn dĩ di cư từ đại lục sau năm 1949, do đó Trung Quốc hy vọng dùng chiêu bài “hòa thống” (hòa bình thống nhất) với Đài Loan theo kiểu “một nước hai chế độ” như đã làm với Hong Kong và Ma Cau. Cuối cùng nếu không được mới dùng đến “vũ thống” (đánh chiếm bằng vũ lực).
Chỉ còn có thể ở Biển Đông
Vị chuẩn đô đốc cho rằng chính vì những lẽ trên mà Trung Quốc đã chọn cách gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông – nơi có khối ASEAN với 10 nước nhưng chỉ có 5 nước (Việt Nam, Philippin, Indonesia, Malaysia, Bruney) liên quan trực tiếp tới vùng biển này.
Ông cho rằng hiện nay 5 nước liên quan đến vùng biển này đều là những nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế và quốc phòng hạn chế, thêm vào đó sự liên kết giữa các quốc gia này còn khá lỏng lẻo, thậm chí có cả những tranh chấp về chủ quyền trên biển (dù không lớn).
Từ đó Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm nơi “đột phá”, và mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Để thực hiện điều này Trung Quốc đang áp dụng một tư duy bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, tôn thờ tư duy “mạnh được yếu thua”.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “bẻ đũa”
Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thì trước khi Trung Quốc gia tăng gây hấn, nước này đã dùng “quyền lực mềm” để ép các nước thuộc khu vực phải đi theo quỹ đạo và sự điều khiển của họ. Tuy vậy kế hoạch thất bại khiến họ phải chuyển sang chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” để phân hóa nội bộ khối ASEAN.

Có thể thấy rõ chiến lược này khi nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm với khối ASEAN trong thời gian vừa qua. Tại Hội nghị Ngoại trưởng được tổ chức năm 2012 tại Campuchia, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung về Biển Đông mà nguyên nhân phần lớn đến từ thái độ kiên quyết của nước chủ nhà mà kẻ hậu thuẫn không ai khác ngoài Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây sự “ve vãn” của Trung Quốc với những nước không liên quan hoặc liên quan ít tới tranh chấp Biển Đông ngày một rõ. Cụ thể cuối tháng 6 vừa qua Thủ tướng Malaysia đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, và ngay sau đó ông Wang Chungui - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã tranh thủ “ngọt ngào” với quốc gia này rằng “Trung Quốc và Malaysia có chung một góc nhìn về vấn đề Biển Đông”.
Cũng chỉ mới cách đây ít ngày một đoàn quân sự cấp cao của Thái Lan đã sang Trung Quốc để “tham vấn”. Trong bối cảnh các nước phương Tây đang chỉ trích Thái Lan vì cuộc đảo chính, thì động thái này cho thấy Trung Quốc đã ngay lập tức lợi dụng tình hình để tranh thủ tìm kiếm sự đồng tình.
Để đối phó với những hành động trên của Trung Quốc vị Chuẩn đô đốc cho rằng hơn lúc nào hết các nước cần phải đoàn kết chặt chẽ bởi mục đích duy của Trung Quốc không phải chỉ là Biển Đông.
“Trung Quốc đã chọn biển Đông để gây hấn vì nghĩ rằng mình có thể “làm mưa làm gió” tại đây. Tuy nhiên tôi cho rằng họ đã sai lầm, bởi Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia đều là những nước có tinh thần độc lập dân tộc rất cao và tinh thần tự cường dân tộc mạnh mẽ.

Những hành động hiện tại của Trung Quốc chỉ là đòn “diễu võ dương oai”. Chưa cần đến sự góp quân của Mỹ, Nhật, chỉ cần năm nước liên quan đến vùng biển này cố kết lại thì Trung Quốc không thể đột phá. Nội lực của các quốc gia này hoàn toàn có thể đương đầu với Trung Quốc”. – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm.

21 tháng 6, 2014

QUAN HỆ QUỐC TẾ

Thế trận tự hình thành và ngày càng nóng trên Biển Đông
(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc ngày càng hung hăng, dồn ép Việt Nam, trong khi Mỹ và đồng minh đang hình thành những liên minh kép sẵn sàng dùng vũ lực
Việt Nam trước quyết định sống còn
Tháng 6/2014, cả thế giới đang chú ý đến World Cup ở tận miền Nam Mỹ thì một cái giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đem vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa máu thịt đã khiến dư luận cả nước sôi sục. Giờ còn thêm chiếc giàn khoan Nam Hải 09 đã lò dò xuống biển Đông.
Hải Dương 981 có khả năng khoan thăm dò và khai thác ở vùng nước sâu, vì thế nó có thể di chuyển chỗ này chỗ khác. Còn cái  giàn khoanNam Hải 09, nó lạc hậu, cũ kỹ, nó chỉ biết có khai thác và khai thác. Một khi nó đã di chuyển thì chắc chắn, nó phải mang sứ mệnh đem dầu về cho Bắc Kinh chứ không phải đám chuyên viên dầu khí đi du lịch Biển Đông.
Ngày 18/6/2014, Trung Quốc đưa ra “Sách Xanh” về năng lượng, cho thấy họ đang đứng trước những vấn đề sống còn, thậm chí dự báo khủng hoảng nếu nguồn cung năng lượng không được đảm bảo.
Cuốn sách với cái màu hòa bình ấy như một thứ biện minh khốn kiếp cho cái giàn khoan Nam Hải 09 kia. Bắc Kinh muốn nhắn với cả nước họ rằng “chúng ta hết năng lượng rồi, chúng ta không thể đi mua mãi, ngoài kia có rất nhiều và ra đó mà lấy đi thôi”.
Trung Quốc điều thêm tàu quân sự quét mìn lớp 6610 (T43) đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981 
Hiện cái Nam Hải 09 vẫn đang ở trong vùng biển của Trung Quốc, nhưng một ngày đẹp trời nào đó, nó xuất hiện ở cửa Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam thì sao? Chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào?  Việt Nam còn đủ tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư để đưa ra nói chuyện phải quấy với bọn Trung Quốc nơi giàn khoan Nam Hải 09?
Phải nhìn nhận thẳng mà nói rằng Hải chiến rất khác chiến tranh trên bộ, đặc biệt trong chiến tranh hiện đại với các vũ khí tầm xa như ngày nay càng khó. Chưa kể đến sức ép về kinh tế mà đối phương sẽ gây ra. Chúng ta cần có nhiều hơn những sự giúp đỡ của nước ngoài.
Không phải tự nhiên chúng ta thắng Mỹ, không phải tự nhiên B52 rụng như sung trên bầu trời Hà Nội. Từ lịch sử mà phải nhìn ra những bài học mà đời nào cũng đúng, luôn luôn cần có những người bạn, quan trọng là biết tùy từng lúc chọn bạn mà chơi.
Thế trận Biển Đông tự hình thành
Tạm gác những băn khoăn của Việt Nam sang một bên và nhìn vào khu vực. Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, nhưng cũng không quên gây hấn ở Hoa Đông với Nhật Bản. Ngày 20/6, lại thêm tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc bén mảng vào Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản phải điều lực lượng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott 
Trung Quốc muốn nhắc cho Nhật Bản nhớ rằng đừng vì thấy họ bận ở Biển Đông mà quên rằng Senkaku/Điếu Ngư cũng là một phần trong lợi ích cốt lõi mà Bắc Kinh theo đuổi. Nhưng Trung Quốc cũng vô tình vạch áo cho người xem lưng khi tham vọng này đã thể hiện họ đang bị dàn trải, đồng minh không có mà kẻ thù thì vô số.
Những ngày cuối tháng 6 cũng là thời điểm Nhật Bản đang gấp rút hoàn thiện việc gia tăng quyền hạn cho lực lượng phòng vệ, thậm chí đề đạt đến việc tái thiết quân đội trên đất nước này. Nhật Bản cũng thúc đẩy tiến độ việc thông qua luật “phòng vệ tập thể” để có thể cùng sát cánh với các đồng minh chống Trung Quốc.
Philippines cũng chẳng ngán gì. Họ nhỏ nhưng có người lớn chống lưng. Trung Quốc không tham dự phiên tòa mà Philippines khởi kiện ra Trọng tài Quốc tế, vì thế quốc gia này đã thúc giục tòa án sớm ra phán quyết. Nếu Philippines thắng, thì chính nghĩa đã thuộc về phía họ, đẩy Trung Quốc thành quân kẻ cướp.
Chính nghĩa chỉ là một việc vì quân kẻ cướp chắc chắn không nghe theo pháp luật. Và Philippines cũng không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự của mình. Sự kết liên giữa Nhật Bản – Philippines đã tạo thành một gọng kìm từ Đông xuống Đông Nam để vây ráp Trung Quốc vào giữa.
Còn vòng ngoài, Australia đang ráo riết gia tăng sức mạnh quân sự của mình. Các căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương và Australia tạo thành một hàng rào phong tỏa thứ hai, có khả năng tác chiến tầm xa. Đồng thời, Nhật Bản – Australia ngày càng phối hợp chặt chẽ với nhau về quân sự. Có thể nói, những liên minh song phương này đang khiến vòng kim cô mà Mỹ muốn đeo vào cổ Trung Quốc ngày càng chắc chắn.
Như vậy là chiến lược chuỗi đảo mà Mỹ đặt ra cho định hướng chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương đã hoàn thành. Mà việc chiến lược này hoàn thành một cách thuyết phục như vậy cũng phải nhờ vào sự trợ giúp của Trung Quốc, bởi tham vọng của họ đã khiến ai cũng phải đề phòng.
Hải quân Mỹ trong căn cứ trên Vịnh Subic của Philippines 
Trên Biển Đông, có hai vị trí đắc địa mà lực lượng hải quân nào có được đồng nghĩa với việc kiểm soát được hoàn toàn vùng biển này, thậm chí là cả tuyến hàng hải Đông – Tây, đó chính là Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Philippines. Mỹ đã có Subic trong tay, nhưng Cam Ranh thì Việt Nam trấn giữ.
Nhưng Nhật Bản lại có thể làm được điều đó, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam thời gian qua vô cùng tốt đẹp. Việc Nhật Bản thông qua quyền “phòng vệ tập thể” là cái tem bảo hành uy tín nhất để bất kỳ ai cũng muốn làm đồng minh với họ.
Nếu liên minh Nhật Bản – Philippines – Việt Nam hình thành, về mặt chiến lược, Trung Quốc đã thua ngay trên sân nhà.
Lựa chọn của Việt Nam
Quay trở lại vấn đề về việc chọn bạn của Việt Nam. Trước hết, nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô hào phóng trước đây. Họ đơn thuần hoạt động vì lợi ích. Sự gây hấn của Trung Quốc đã khiến Đông Nam Á đổ xô chạy đua vũ trang, và Nga cũng đã kiếm được một mớ ở đó.
Còn hiện tại, Nga và Trung Quốc đang cần nhau ở một số vấn đề, việc Nga trở thành kỳ đã cản mũi ở Biển Đông dù trong mơ cũng không thể xảy ra.
Với Mỹ, dù quan hệ giữa hai quốc gia đã có nhiều cởi mở, tuy nhiên cánh cửa đó vẫn chưa phải là thông thoáng hoàn toàn. Người Mỹ hàng chục năm ở ngôi số một thế giới, họ đã quen với sự áp đặt, để trở thành một đồng minh của Washington, Hà Nội sẽ phải hi sinh nhiều về lợi ích mà trong bài viết không tiện nói ra.
Còn Nhật Bản, nếu hữu sự, Nhật có thể coi là tối lửa tắt đèn có nhau, không phải lo “nước xa khó cứu lửa gần”. Hoặc ở cái vị trí của Nhật Bản, thì hoàn toàn có thể sử dụng kế Vây Ngụy Cứu Triệu để ứng phó cho Việt Nam. Sức mạnh hải quân của Trung Quốc hoàn toàn bị dàn trải và yếu thế.
Nhưng đó chỉ là những phương án phân tích mang tính chủ quan, còn điều cần làm nhất của Việt Nam lúc này là giành lấy sự chính nghĩa cho mình, theo cách như Philippines đang làm. Đồng thời, muốn tư chủ được về chủ quyền thì nền kinh tế nuôi dưỡng sức mạnh đất nước cũng cần phải được tự chủ.
Ukraine đang khốn đốn với Nga vì không tự chủ được về kinh tế và năng lượng. Đó là một bài học nhãn tiền.Việt Nam căm ghét chiến tranh, nhưng khi bị dồn vào bức đường cùng, cả dân tộc này luôn sẵn sàng.
Điều quan trọng là phải có một sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Bởi đã không còn nữa cái tình đồng đội, đồng chí khi tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng khó kiểm soát.
Đỗ Minh Tú


'data:label.url + "?&max-results=2"'
Chèn Emoticons
:))
:((
:D
:(
=))
b-(
:)
:P
:-o
:*
:-s
[-(
@-)
=d>
b-)
:-?
:->
X-(