Xe bánh mì Việt
ở Thái
Trên chiếc xe tải nhỏ sơn đủ màu sắc sặc sỡ, đôi tình nhân Thái - Việt chở nhau rong ruổi qua những nẻo đường ở Bangkok để bán bánh mì VN.
Trên chiếc xe tải nhỏ sơn đủ màu sắc sặc sỡ, đôi tình nhân Thái - Việt chở nhau rong ruổi qua những nẻo đường ở Bangkok để bán bánh mì VN.
Cặp tình nhân Việt - Thái bên xe bánh mì
Chàng là cậu trai
gốc Việt tên Dang Richie Phạm (29 tuổi)
được sinh ra và lớn lên tại Adelaide (Úc). Nàng là
cô gái Thái Lan có tên Wanicha Watanawanichkorn (thường gọi là
Bo), sang Úc du học. Cả hai tình cờ quen nhau qua một
người bạn chung. Cùng đi chơi trong thời gian
ngắn, chàng và nàng phát hiện cả hai đều chung
sở thích thưởng thức món ăn Việt,
đặc biệt là bánh mì.
Tình yêu từ...
ổ bánh mì
Nhà cô chú của
Richie ở Úc có mở một tiệm bánh mì nho nhỏ, nên
cả hai cũng thường đến “thăm cô chú”
rồi “nhân tiện” thăm luôn mấy ổ bánh mì.
Những lúc lên Sydney, Melbourne chơi, bận rộn gì chàng
và nàng cũng phải kiếm mua bằng được
mỗi đứa một ổ bánh mì rồi cùng gặm.
Ai đó có nói:
“Đường đến tình yêu luôn đi qua dạ dày”
quá chí lý. Chính thời gian cùng đi ăn món Việt với
nhau càng làm hai người thêm khắng khít. “Dĩ nhiên, tụi
mình còn chia sẻ được với nhau rất
nhiều điều khác nhưng quả thật những
lúc đi ăn, hai đứa thường nói chuyện
rất nhiều nên càng hiểu nhau hơn”, Richie nói.
Năm 2013, Bo
tốt nghiệp thạc sĩ ngành tiếp thị tại
Úc và muốn về lại Thái Lan làm việc. Lúc này Bo và
Richie đã yêu nhau được vài năm. Đang làm
kỹ thuật viên bậc cao của hãng xe Jeep với
mức thu nhập hơn 60.000 USD/năm, mối tình mãnh
liệt này đã khiến Richie quyết định bỏ
hết để “theo nàng về dinh”. “Gặp
được tình yêu đích thực không phải dễ
nên mình quyết không để vuột. Mình còn trẻ, có
sức khỏe, không sợ kiếm việc không ra”, Richie
cười giải thích.
Bánh mì Boy
Thật bất
ngờ khi ý tưởng bán bánh mì lại không phải
từ chàng trai VN Richie Phạm mà từ Bo, cô bạn gái
người Thái Lan. “Thời gian du học ở Úc, tôi
đã thử và rất thích món ăn VN, nhất là bánh mì.
Về lại Bangkok, tôi tìm hoài mà không thấy chỗ nào bán
bánh mì VN cả, thế là tôi quyết định “dụ”
bạn trai bán. Nếu có bán ế, thì ăn bánh mì trừ
bữa cũng... ngon mà”, Bo nheo mắt cười.
Cũng là dân
ghiền bánh mì, nên nghe bạn gái đề nghị, Richie
đồng ý lập tức. Thế là cô thạc sĩ Thái
và chàng thợ máy Việt, mỗi người hùn vào 10.000
USD làm vốn bán bánh mì. Lý do bán bánh mì trên xe tải rất
đơn giản vì “thuê mặt bằng ki ốt cố
định, nhỡ chỗ đó bán ế thì sao. Chẳng
thà kiếm chiếc xe tải, ế chỗ này, chạy
chỗ khác bán cũng đỡ lo hơn”. Vốn là thợ
sửa xe ô tô “thứ dữ”, Richie lùng mua được
một chiếc xe tải cũ, giá chỉ 150.000 baht
(khoảng 100 triệu đồng) rồi “độ”
lại thành chiếc xe bán hàng khá đẹp mắt.
Ổ bánh mì VN đầy hấp dẫn được Richie và Bo giới thiệu khắp Bangkok
Quyết
định bán bánh mì từ tháng 2.2014, nhưng chỉ riêng
công đoạn học nhào bột làm bánh mì cũng khiến
Richie mất 6 tháng. Anh gọi sang tiệm bánh mì của cô
chú tại Úc để hỏi công thức rồi mày mò tự
làm. Sau 3 tháng ngày nào cũng “nhào nhào, nặn nặn”, Richie
khá tự tin mang sản phẩm của mình cho người
Thái ăn thử thì bị dội ngay một gáo
nước lạnh: “dở”. Thì ra do khí hậu, độ
ẩm ở Úc và Thái khác nhau, nên công thức cũng không
thể “bê nguyên xi” được mà phải tự gia
giảm. Chưa kể, người Thái thích ăn
đặc ruột hơn... Thế là lại tiếp
tục mò mẫm. “Bánh mì khó nhất là công đoạn làm
bột. Ở Thái lại khó kiếm loại bột ít
đạm, và phải làm sao cho vỏ bánh giòn và không quá dày,
để nguội không bị cứng”, anh cho biết.
Ban đầu,
Richie tính lấy tên là Sài Gòn Street vì bánh mì là món ăn
đường phố phổ biến nhất ở Sài Gòn
nhưng Bo thực tế hơn, chữ “Sài Gòn street”
người Thái khó đọc, nên quyết định
lấy tên là “Bánh mì Boy” có logo là hình một cậu bé
đội nón lá cho dễ nhớ, dễ kêu. “Tôi không
gọi là Vietnamese sandwich, mà muốn gọi đúng tên
của nó là bánh mì. Vì cũng giống như phở, bánh mì
là tên gọi duy nhất và chính xác nhất của món ăn
này. Người nước ngoài phải biết đó là
bánh mì, chứ không phải là một loại sandwich nào
cả”, Richie cho biết.
Giấc mơ bánh
mì Việt
Tôi gặp đôi
tình nhân bán bánh mì này ở đối diện khu chợ cuối
tuần Chatuchak nổi tiếng tại Bangkok. Chiếc xe
được sơn màu rất bắt mắt với
thực đơn gồm năm loại: bánh mì heo quay, cá
mòi, gà nướng sả, nem nướng và xá xíu. Richie sinh
tại Úc nên nói tiếng Việt không sõi và cuộc nói
chuyện cứ phải ngắt quãng liên tục vì khách
đến mua bánh mì, Tây, Thái và cả khách cũ ăn
thấy ngon nên trở lại. Ông khách người Thái tên
Udomsak Leesin, nhà ở On Nut (quận Suan Luang) cách chợ
Chatuchak hơn 20 km, chia sẻ: “Tôi đã từng đến
Sài Gòn, ăn thử bánh mì và thấy rất ngon. Nghe nói
ở Bangkok có bán bánh mì VN nên tôi phải tìm ăn cho bằng
được”.
Khách hàng đến từ khắp nơi có thể thưởng thức bánh mì VN tại Bangkok - Ảnh: Nguyễn Tập
“Có phí không khi Bo
lấy bằng thạc sĩ tại Úc xong rồi đi bán
bánh mì?”, tôi hỏi. “Làm sao phí được, những
kiến thức học được về khách hàng, thị
trường, chiến lược phát triển... mình
sẽ áp dụng để bán bánh mì hiệu quả hơn.
Vả lại, tự mở một doanh nghiệp của
riêng mình, dù nhỏ, cũng là một niềm vui đấy
chứ”, cô cho biết.
Chỉ bắt
đầu bán từ cuối tháng 8.2014 nhưng Bánh mì Boy
đã khá nổi tiếng về một “tiệm ăn di
động” bán món ăn đường phố sạch,
ngon, lạ trên báo, đài tại Thái như: Voice T.V, Channel
1, BK magazine, Bangkok Post. Khách quen quay lại khá đông,
nhiều người đã đến đề nghị
hợp tác mở chi nhánh... “Trong tương lai, chúng tôi
muốn mở rộng kinh doanh trên toàn quốc để
bánh mì Việt trở thành một món ăn ưa thích
của mọi người dân Thái”. Richie nói.
Là xe bánh mì lưu
động, nên địa điểm bán cũng
thường thay đổi. Mỗi thứ bảy, chủ
nhật Bánh mì Boy bán ở Insquare JJ (đối diện
chợ Chatuchak). Những ngày còn lại (trừ thứ hai)
bán tại soi (hẻm) 47, đường Sukhumvit. Thỉnh
thoảng lại chạy xe ra trung tâm mua sắm Siam... Xe bánh
mì hay “chạy lăng quăng” nên lịch bán luôn
được cập nhật trên Facebook.
Khi tôi ngồi gõ
những dòng này thì Facebook của Bánh mì Boy lại nhấp
nháy có thông báo mới: “Chủ nhật này chúng tôi nghỉ bán
để đến thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ
mồ côi, nấu và mang đến cho chúng những món
ăn VN thật ngon. Bạn nào muốn cùng đi thì liên lạc
nhé”...
Giữ nguyên
hương vị gốc “Ở Thái có một số nhà hàng
bán món ăn Việt nhưng họ đã thay đổi cách
nêm nếm cho hợp với người Thái hơn. Những
khách hàng người Thái của tôi cũng thích bánh mì,
nhưng họ đề nghị bánh mì phải thêm
nhiều loại nước xốt hơn, nước
xốt phải ngọt hơn... Tôi sẽ không làm
điều đó, vì nếu làm vậy bánh mì sẽ không còn
được giữ nguyên mùi và khẩu vị gốc
nữa. Tôi thấy bánh mì Việt của mình rất ngon. Vì
thế, tôi muốn đem đúng nguyên bản của nó
để giới thiệu với người Thái”, Richie
nói.
Nguyễn Tập (VP Bangkok)
Cái KHÓ, ló CÁI KHÔN. giàu nghèo cũng có SỐ đấy cụ ạ ! Tất nhiên phải lao động để không bị nghèo.
Trả lờiXóaCái khó nó ló cái khôn cộng với đam mê và chịu khó=thành công cụ ạ.
XóaTUỔI TRẺ THÍCH SÁNG TẠO! BÂY GIỜ TRẺ LẠI KHÔNG BIETS CHỊ EM MÌNH CÓ GIÁM LÀM THẾ KHÔNG NHỈ?
Trả lờiXóaBây giờ thì không, nhưng lúc trẻ thì chắc là giám làm, ở cái thời chúng mình còn trẻ thì cũng không cho phép mình làm như bây giờ.
XóaKính Cụ Bà Faina! Tôi mới vào đọc bài sưu tầm của Cụ, liền rất lấy làm tâm đắc. Bởi vậy xin phép Cụ cho tôi rinh về trang " Cungsangtao.vn" mà tôi đang làm với rất nhiều hứng thú. Đành rằng mình "lảo lơ" không có khả năng kiếm tiền nữa nhưng thấy có gì hay thuộc lĩnh vực sáng tạo, làm giàu chân chính thì cứ đưa về một chỗ để các cháu trẻ tuổi tham khảo, làm theo, may ra có người thành công trong cuộc sống. Ấy cũng là một niềm vui nho nhỏ mối ngày mà tôi đã chọn cho đến lúc Ông Trời gọi đi. Như vậy cảm thấy có ích hơn là chửi bới ba thằng cha tham nhũng mà chẳng ai nghe Phải không ạ? Trang CST rất mong được Cụ Bà Faina quan tâm,cám ơn nha...
Trả lờiXóaTôi rất vui được góp một phần nhỏ bé vào "Cungsangtao.vn" của cụ. Tôi cũng nghĩ như cụ- chúng ta , bây giờ chỉ sống khỏe, sống vui, tuy nhiên cái gì có ích cho con cháu vẫn nê tích lũy và hướng cho chúng con đường đi vào đời, còn việc đất nước là chuyện lớn ta không lam được, phải không cụ.
Trả lờiXóa