NÂNG
CẤP Ô SIN
Sao các đại gia không vào hành
lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai
trăm đô cũng được.
Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ
1.
Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi
vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ
muốn xuống căng tin phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau
đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút
mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ
chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ.
Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến
chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật.
Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính
phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa.
Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu, bán cả nhà cũng
không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè
quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn
cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu
nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên
đầu tôi.
Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian
càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. Chưa bao giờ tôi lâm vào tình
trạng quẫn trí như lúc này.
Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm
tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ
chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.
Mỗi buổi sáng, bác sĩ điều trị cho mẹ đi qua thăm khám
đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước
mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng
ái ngại quay đi.
Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong
sáu cái giường cá nhân. Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ điều trị của mẹ đi vào,
mang theo mười hai cái phong bì, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một
cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo
tín hiệu "bí mật". Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy
ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.
Ai đã từng vào chăm bệnh nhân trong viện mới cảm nhận
được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng
bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có
khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây
không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ
sát thương của nó như các cư dân mạng hay nói, đúng là "vô đối".
Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào,
giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng.
Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi
trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ
hôi lạnh toát.
Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm
một con đường sống.
Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian
phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp
thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không
giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả
giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng!
Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn
hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu
nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.
Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào
để xoay ra hơn ba chục triệu đồng.
Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ
điều trị chính. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề
nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong
bệnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác
sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh.
Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ: Hình như anh để ý đến
tôi. Có để ý mới đưa phong bị dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp
việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rỗi hơi lại đi mách bệnh nhân cách lách
luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?
Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm giúp việc
không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trên tuần, ba giờ mỗi
ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì.
Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm
tình nguyện!
Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng.
Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra
phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần
như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia.
Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh
trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!
Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí
tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong
phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ.
Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta "nghiệm
thu" mình.
2.
Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn.
Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy em đã
rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí.
Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến
không ít cảnh các ông bố bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm
sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã
là nhiều. Thế nên, hình ảnh của em ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại
khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi
cũng có chút động lòng.
Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Bố tôi mất đã năm
năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm tôi và làm từ thiện. Lương hưu
của bà không đáng là bao, ngày ngày bà may áo, đan len, rồi cứ gom lại từng tí
một, thành một chục là hớn hở mang cho trẻ con nghèo.
Trước đây, mẹ cũng hay mang vào viện tôi nhưng từ khi
tôi bảo: Bệnh nhân thường họ không thiếu mấy thứ mẹ cho, cái họ thiếu nhất là
tiền, thế là mẹ chuyển mục tiêu sang mấy xã ngoại thành và các xã vùng núi theo
chường trình của Hội Chữ thập đỏ.
Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở
nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả
đem cho. Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ,
không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào viện phân
phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành
chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là
xong. Riêng phong bì của mẹ em, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như
muốn bỏ bể mà thôi!
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được em lại đề nghị
"bán mình" cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng
thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết
mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng
chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được
nữa.
Ngày mẹ em ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải
"thanh toán" hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: "Cứ
coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!". Không ngờ em "chốt
hạ" ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất
đi! Em biết mẹ anh đang ốm, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em
sẽ đến nhà anh giúp việc nhà. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!
Em làm Ôsin cho
nhà tôi được
đúng sáu tháng thì mẹ tôi
một hai
đòi nâng cấp em
làm con dâu.
Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập topic "có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?" thì
thật nhảm!!!
(Không rõ tác giả)
Câu chuyện có thể chỉ là hư cấu nhưng đầy chất nhân văn . Thực ra hiếm thâys có bác sỹ nào như BS trong chuyện chị ạ...
Trả lờiXóaCám ơn chị.
Chị nghĩ rằng có một phần hư cấu, nhưng cốt chuyện có thể là thật. Trong trường hợp này không ai chê trách người con gái bán thân mà ngược lại thương và khâm phục.
Xóa" Ô sin " như vậy - có hiếu với mẹ và quên mình, thì gặp người có điều kiện như BS trong câu chuyện (có thể là hư cấu đi nữa) cũng đáng được NÂNG CẤP! Còn hơn bao người có khả năng tài chính nhưng chỉ biết dành cho cá nhân mình, quên mất cha mẹ & người thân.
Trả lờiXóaCụ nói đúng, nếu giữa cái chết của mẹ và phải hy sinh thân mình để mẹ được sống, tôi cũng sẽ làm như vậy. Cô gái này rất có hiếu với cha mẹ. Thật đáng phục.
Xóa